Chùa Hương - Chùa Thầy - Chùa Trăm Gian - Chùa Tây Phương (3)

Sáng CN khởi hành đi chùa Trăm Gian từ 7h kém. Cùng ở Hà Tây cả mà không ngờ từ chùa Hương ra chùa Trăm Gian cũng phải mất hơn tiếng ngồi ôtô ngủ gà gật. Đường thì bụi tít mù, may mà đi ôtô chứ đi xe máy thì chắc chết!
Chùa Trăm Gian là một ngôi chùa cổ nằm trên đồi thông. Ấn tượng ngay khi đến chùa là cảm giác yên bình đặc trưng của chùa quê, khác hẳn với cái ồn ã, xô bồ bon chen ở chùa Hương. Cổng chùa đã cũ, rêu mốc mọc đầy, tường tróc lở. Người dân họp chợ ngay trước cổng chùa. Đường lên chùa cũng có hàng quán, bán toàn quà quê: khoai nghệ, khoai bở, đồ mây tre, mấy con chuồn chuồn tre đặt đâu cũng đậu, vài đôi quang gánh bé tí xíu, chiếc chổi đót nhỏ quét ban thờ, cái giành tích bằng mây... với giá rất rẻ: 7k/kg khoai nghệ ăn ngọt lịm, 5k/đôi quang gánh bé xinh (mình nghĩ công ng ta đan 2 cái rá bé xíu đã quá 5k rồi ấy)




Bước chân vào chùa có thể thấy rất rõ cái cổ kính, tịch mịch của chùa. Gian cũ của chùa làm toàn bằng gỗ, trên các cột trụ còn nghi ngày sửa chùa từ những năm 1897. Mái thấp, đi không để ý là va đầu vào các miếng trang trí ở cột và xà như chơi. Trong chùa còn giữ lại 4 bức tranh cổ, được treo dọc hành lang từ chùa cũ vào gian mới được xây dựng cùng với những bức tranh mới làm.
Hai trong 4 bức tranh cổ ở chùa.

Hành lang treo tranh
 Chùa Thầy cách chùa Trăm Gian cũng tương đối, tầm 10km. Từ đường Láng - Hòa Lạc rẽ phải chừng 4km là tới. Chùa là cả một quần thể với rất nhiều chùa xung quanh, chưa kể một cơ số hang động trên núi sau lưng chùa. Có thể nói về phong thủy, vị trí của chùa rất đẹp: lưng dựa núi, mặt hướng ra hồ Long Đình. Chùa cũng là một ngôi chùa cổ, thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh. Từ xa đã có thể nhìn thấy Thủy Đình của chùa, cùng với 2 chiếc cầu có mái che bắc qua hồ Long Đình dẫn vào chùa.



Bước chân vào cổng chùa, ấn tượng đầu tiên là màu xanh ngút mắt. Cây đại cổ thụ lá thì ít mà các loại tầm gửi thì nhiều. Các giò lan lúc lỉu trên đầu. Chùa xây ngay ở chân núi nên muốn lên được phải bước qua các bậc thang bằng đá. May sao đoàn vào cùng với một đoàn thầy cô giáo nữa cũng ở HP, họ thuê HDV nên mình đi theo nghe ké. Trong chùa hiện còn giữ hài cốt của thiền sư Từ Đạo Hạnh, được khóa kín và bảo quản trong khám. Nghe bảo hài cốt vẫn còn nguyên gân cốt, móng chân móng tay... Hàng năm, nhà chùa mở khám thay quần áo cho ngài một lần vào mùng 7 tháng 3 âm lịch. Chùa cũng còn 2 cây cột bằng gỗ nguyên cây, một cây là gỗ ngọc am, một cây là gỗ gì đó không nhớ rõ tên. Cả hai cây cột đều có niên đại cách đây chừng mấy trăm năm rồi. Chùa có kết cấu 3 phần: chùa Thượng, chùa Trung và chùa Hạ. Các kết cấu trang trí trong chùa đều được đục đẽo trên gỗ rất tinh xảo, khéo léo. Có thể nói, cùng với chùa Keo, chùa Thầy là một trong những ngôi chùa đẹp nhất mà mình từng tới.


Muốn lên chùa Tây Phương phải leo núi theo các bậc thang. Không rõ là bao xa nhưng cũng phải mất chừng 10-15ph. Chùa nổi tiếng với các pho tượng La Hán, tuy nhiên mình lại không ấn tượng gì với cái đó mà chỉ ấn tượng với cây quạt lá đề (mẹ bảo đấy là quạt ba tiêu, bố bảo là quạt lá đề, rốt cuộc con gái không biết gọi nó là quạt gì!) đặc trưng ở đây. Một điều khá hay ho nữa là khi đến đây, do đã là 11h trưa nên mấy cô gái ngồi ghi công đức bỏ đi ăn trưa, khách thập phương muốn công đức thì tự lấy sổ ghi tên và địa chỉ, lấy tờ giấy ghi công đức tự ghi vào rồi cũng lại tự bỏ tiền vào hòm. Thật là hay ho!

12h trưa. Đoàn quyết định vòng ngược lên Sơn Tây ăn trưa trước khi về HP. Ăn ở nhà hàng gà Phú Bình: lợn Mán, gà ri rán. Ăn ngon! Mà tính ra 100k/suất chứ chẳng đùa.Mà không hiểu sao đợt đi này mình ăn nhiều thật. Toàn 2-3 bát cơm, chưa kể ăn vã thức ăn linh tinh nữa. Hehe, chắc tại được ăn chùa nó thế ;))

4h30 chiều về đến sân cảng. Kết thúc chuyến đi!

0 nhận xét:

Post a Comment

 
  • secret garden © 2012 | Designed by Rumah Dijual, in collaboration with Web Hosting , Blogger Templates and WP Themes